Vừa qua cả thế giới đã và đang rúng động trước vụ tai nạn máy bay A321 thảm khốc của hãng hàng không Nga tại Ai Cập khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng. Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó có một thông điệp được tải lên mạng hôm 31-10, nhóm Vilayat Sinai, một nhánh của IS ở Sinai đã khẳng định bắn rơi chiếc máy bay của Hãng hàng không Kogalymavia.

Nhóm IS này cũng tải lên mạng một đoạn video cho thấy một vật thể lớn giống máy bay đang bốc cháy và lao xuống từ bầu trời, tạo ra một vệt khói dài đen ngòm. Thế nhưng liệu một thảm kịch tương tự như vụ chiếc máy bay dân sự bị tên lửa bắn hạ khi bay qua vùng giao chiến tại Ukraina có đang lặp lại?



Bắn hạ máy bay như thế nào và ai bắn?

Những nỗ lực chế tạo tên lửa phòng không đã được thực hiện từ thời thế chiến lần thứ hai, nhưng vào thời điểm đó chưa nước nào có được trình độ công nghệ cần thiết.

Thậm chí trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, tên lửa phòng không cũng chưa xuất hiện. Lần đầu tiên tên lửa phòng không được sử dụng nhiều là trong cuộc chiến tranh Việt Nam và nó (tên lửa phòng không) đã có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với kết cục cuộc chiến này.

Từ đó đến nay, các tổ hợp tên lửa phòng không đã trở thành một trong những phương tiện tác chiến quan trọng nhất mà thiếu chúng thì không thể chiếm được ưu thế trên không.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có hơn 20 kiểu tổ hợp tên lửa phòng không và tên lửa phòng không vác vai tham gia tác chiến. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp rất khó xác định một cách chính xác “thành tích” của chúng. Đôi khi khó có thể kết luận một cách chính xác chiếc máy bay hay máy bay lên thẳng cụ thể nào đó bị bắn hạ bởi phương tiện gì.

Máy bay Nga ngoài tầm với của IS

Giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược (SCC) Ivan Konovalov cho rằng các tên lửa phòng không vác vai và súng phòng không mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang sở hữu khó có thể là nguyên gây ra mối đe dọa đối với chiếc máy bay A321 của Nga vừa bị rơi ở Ai Cập.

Giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược Nga, kiêm chuyên gia quân sự Ivan Konovalov

Giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược Nga, kiêm chuyên gia quân sự Ivan Konovalov

Hãng thông tấn TASS dẫn phân tích của ông Konovalov cho biết: "Trước hết, phiến quân thiếu các hệ thống phòng không tiên tiến. Những gì mà lực lượng này có hầu hết là cũ rích - loại Stinger do Mỹ sản xuất từ những năm 1980 hoặc loại Strela do Nga chế tạo từ những năm 1960 của thế kỷ trước.”

Ông cho rằng IS không đủ khả năng và không thể bắn trúng bất cứ phương tiện nào bay cao trên 5000 m, trong khi theo những thông tin mà phía Nga có được, chiếc máy bay A321 tại thời điểm xảy ra tai nạn đang hoạt động ở độ cao 10000 m.

Các chuyên gia hàng không và an ninh cũng cho rằng IS rất khó có thể bắn máy bay. "Theo như những gì tôi biết, IS và các nhóm liên kết không có khả năng hạ máy bay ở độ cao khoảng 10.000 m như chiếc phi cơ này", nhà phân tích an ninh và cựu nhân viên chống khủng bố Anh Charles Shoebridge nói.

Ông Charles Shoebridge trong một buổi phỏng vấn trực tiếp với kênh RT News

Ông Charles Shoebridge trong một buổi phỏng vấn trực tiếp với kênh RT News

Cựu bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập, Wail al-Madawi, cũng cho rằng các nhóm chiến binh ở Sinai không có khả năng hạ một máy bay thương mại bay cao như thế. "Chỉ có một quốc gia mới có đủ nguồn lực để làm vậy", ông này phát biểu.

Tờ AFP dẫn lời ông Gerard Feldzer, cựu Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Pháp nhận định, để bắn hạ được một máy bay bay ở độ cao đó, IS phải có hệ thống ra-đa theo dõi và tên lửa tầm xa, nhưng chúng không có cả hai.

Sử dụng một tổ hợp tên lửa tầm xa không phải đơn giản, trong ảnh là tổ hợp BUK-M1 gồm xe radar, xe tải đạn, xe phóng tự hành và xe chỉ huy

Sử dụng một tổ hợp tên lửa tầm xa không phải đơn giản, trong ảnh là tổ hợp BUK-M1 gồm xe radar, xe tải đạn, xe phóng tự hành và xe chỉ huy

Ngay cả giả thuyết rằng chiếc máy bay Nga bị bắn bởi tên lửa khi bay ở tầm thấp cũng bị các chuyên gia bác bỏ, bởi họ cho rằng, kể cả nếu muốn làm việc này thì cũng phải chuẩn bị cực kỳ kỹ càng.

Vậy thực hư năng lực của tên lửa phòng không của IS ra sao?

Những chiến binh khủng bố với tên lửa vác vai Stinger

Những chiến binh khủng bố với tên lửa vác vai Stinger

Hiện tại, IS đang có trong trang bị tên lửa FIM-92 Stinger. Đây là tên lửa phòng không vác vai chủ lực của quân đội Mỹ từ năm 1981 đến nay. Nó có chiều dài 1,52 m, đường kính trong 70 mm, trọng lượng phóng 15,2 kg. Ống phóng gắn kính ngắm quang học tăng khả năng hoạt động ngày/đêm của tổ hợp.

Lính Mỹ bắn Stinger vào mục tiêu giả

Tên lửa Stinger sử dụng hệ thống dẫn hướng hồng ngoại thụ động 2 chế độ cho phép đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu hồng ngoại. FIM-92 có tầm bắn hiệu quả khoảng 4500 m với tầm cao cực đại khoảng 3800 m.

Strela-2 được sản xuất từ những năm 60 của thế kỉ trước vẫn đang là vũ khí đáng gờm trong tay bọn khủng bố

Strela-2 được sản xuất từ những năm 60 của thế kỉ trước vẫn đang là vũ khí đáng gờm trong tay bọn khủng bố

Một loại tên lửa phòng không khác mà IS sở hữu là 9K32 Strela-2 do Nga sản xuất. Được ví von là AK-47 trên không, 9K32 Strela-2 (SA-7 Grail) là một trong những tên lửa phòng không vác vai sử dụng rộng rãi nhất trong các cuộc xung đột quân sự. SA-7 sử dụng đầu dò hồng ngoại thụ động có kẻ ô khá đơn giản. Sau khi được phóng, tên lửa bám theo nguồn phát nhiệt và tiêu diệt mục tiêu.

Một chiến binh IS đang tập ngắm với tên lửa Strela-2

Một chiến binh IS đang tập ngắm với tên lửa Strela-2

Liên Xô đã viện trợ Strela-2 cho Việt Nam vào những năm 1970 và được gọi là A-72. SA-7 đã gây bất ngờ lớn cho lực lượng máy bay chiến thuật của Mỹ. Chỉ trong năm 1970, 40-50 máy bay đã bị A-72 bắn hạ. Từ 1972-1975 khoảng 204 máy bay đã bị bắn hạ bởi A-72. Nhược điểm của SA-7 là đầu dò hồng ngoại thế hệ đầu dễ bị đánh lừa bởi nhiễu hồng ngoại. Biến thể Strela-2M có đầu dò hiện đại hơn cho phép đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu. Strela-2/2M có tầm bắn từ 3.700-4.200 m, tầm cao 1.500-2.300 m.

Lực lượng IS cũng có được tổ hợp phòng không IGLA, dù số lượng không nhiều.

Ống phóng và tên lửa của tổ hợp IGLA-S

Ống phóng và tên lửa của tổ hợp IGLA-S

9K38 Igla là gia đình tên lửa phòng không vác vai hiện đại nhất của Nga, do Phòng thiết kế KBM sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 1981. Gia đình Igla có 3 biến thể, Igla-1 (NATO định danh SA-16 Gimlet), Igla (NATO định danh SA-18 Grouse) và biến thể hiện đại nhất Igla-S (SA-24 Grinch). Các biến thể sử dụng chung ống phóng và các phụ kiện kèm theo chỉ khác về đạn tên lửa.

Thật khó tin rằng tên lửa Igla có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 10000 m. Trong ảnh mỗi viên gạch có kích thước 30x30 cm.

Thật khó tin rằng tên lửa Igla có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 10000 m. Trong ảnh mỗi viên gạch có kích thước 30x30 cm.

SA-16 sử dụng đạn tên lửa 9M313, có đầu dò hồng ngoại cải tiến kết hợp với ngòi nổ mới cho phép tấn công vào phần thân máy bay chứ không chỉ nhắm vào ống xả động cơ như trước. SA-18 sử dụng đạn tên lửa 9M39, có đầu dò hồng ngoại băng tần kép giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu. SA-24 sử dụng đạn tên lửa 9M39M là loại tiên tiến nhất ở thời điểm hiện nay có đầu dò hoàn thiện hơn, tăng khả năng kháng nhiễu cùng đầu đạn nặng hơn. Igla có tầm bắn 5,2 km, tầm cao 3,5 km.

Trực thăng của quân đội Syria bị phiến quân bắn rơi bằng tên lửa Igla

Tạm kết

Như vậy, cho dù IS có được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai, nhưng loại vũ khí nhỏ gọn này không thể dùng để bắn rơi chiếc máy bay A321 ở độ cao 10000 m. Việc tổ chức khủng bố nhanh chóng khẳng định đã bắn rơi máy bay Nga không ngoài mục đích "nâng cao hình ảnh", tạo tiếng vang như một đòn trừng phạt đối với việc Nga can thiệp quân sự nhằm vào IS tại Syria. Do vậy, chúng ta có thể hiểu được chúng sẽ tận dụng một cơ hội tốt như thế, bất chấp chúng có thực sự gây ra vụ tai nạn hay không.

Nói vậy không có nghĩa là bọn chúng không thể, ít nhất về lý thuyết, làm rơi máy bay bằng các phương pháp khác, ví dụ như phá hoại chiếc máy bay từ trước khi cất cánh, hoặc đặt bom trên đó. Ngoài ra, theo các chuyên gia khác nhìn nhận, việc IS đứng lên nhận trách nhiệm vụ máy bay Nga rơi này còn vì mục đích tâm lý muốn người Nga nhụt chí mà từ bỏ ý định không kích và tiêu diệt tổ chức khủng bố này.