TTO - Đây là khẳng định của hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM khi ký kết hợp đồng cam kết việc làm với sinh viên của trường.


Ông Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - ký hợp đồng đảm bảo việc làm với sinh viên.

Đây là trường CĐ đầu tiên thực hiện ký hợp đồng cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Sinh viên ký hợp đồng với trường thuộc các khối ngành sức khỏe, kinh tế, công nghệ, ô tô và tiếng nước ngoài.

Sinh viên không có việc làm vì muốn… thất nghiệp

Theo hợp đồng cam kết của trường và sinh viên, trường chịu trách nhiệm gắn kết doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, tổ chức học tập tại doanh nghiệp, đảm bảo các điều kiện học tập.

Trường hoàn trả 50% học phí nếu sinh viên không được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp hoăc đào tạo bổ sung đến khi sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận. Sinh viên phải hoàn thành chuẩn đầu ra theo qui định, đảm bảo kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp theo chương trình.

Ông Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - cho biết việc ký kết đảm bảo việc làm với sinh viên ngoài việc tăng trách nhiệm của trường trong nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy ý thức trách nhiệm học tập của sinh viên cũng như hiện thực hóa định hướng học đi đôi với hành, đào tạo gắn với doanh nghiệp của trường.

"Sinh viên ký kết hợp đồng với trường mà không có việc làm, lý do duy nhất đó là sinh viên cố tình thất nghiệp. Thực tế trường đã ký kết với các doanh nghiệp và họ tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, văn hóa doanh nghiệp cũng như tiếp nhận sinh viên thực tập, làm việc khi tốt nghiệp. Sinh viên thất nghiệp, hãy gọi cho hiệu trưởng" - ông Lâm nói thêm.

Để có thể ký kết đảm bảo việc làm với sinh viên, trước đó trường đã ký kết với 40 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc kết hợp xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên học tập và làm việc.

Ông Lê Lâm chia sẻ: việc làm không phải là mâm cỗ dọn sẵn. Để được tuyển dụng, sinh viên phải đáp ứng được các yêu cầu của họ. Để sinh viên làm được việc này, trường phải khảo sát ý kiến doanh nghiệp nhằm xây dựng chương trình phù hợp, lấy ý kiến về chất lượng đào tạo.

Trường đẩy mạnh đầu tư phòng thực hành, thí nghiệm, cập nhật chương trình liên tục trên cơ sở góp ý từ các đơn vị tuyển dụng.

Ngoài các chuyến kiến tập, thực hành, từ năm ba sinh viên sẽ có thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Đây có thể xem là giai đoạn học việc của sinh viên. Doanh nghiệp sẽ hướng dẫn việc, các kỹ năng cần thiết.

Việc làm không thiếu, chỉ thiếu người làm được việc

Theo ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM - việc nhà trường ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng là điều cần thiết, đôi bên cùng có lợi.



Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn ký kết hợp tác với doanh nghiệp

Theo ông Tuấn, chỉ tính riêng TP.HCM, trong năm 2018 cần đến 300.000 lao động tuyển mới. Nếu tính 8 tỉnh khu khu vực Đông Nam Bộ, nhu cầu tuyển mới cho năm 2018 là 640 chỗ làm. Trong đó nhóm ngành kỹ thuật chiếm tỷ lệ việc làm cao nhất với 35%, kế đến là nhóm ngành công nghệ thông tin, cơ khí, sức khỏe.

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành nhưng điều quan trọng là do sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của doan nghiệp bởi nhu cầu tuyển dụng luôn có, nhất là khi số lượng doanh nghiệp đang ngày càng phát triển.

Chia sẻ về việc làm, ông Bùi Thanh Ngọc - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - khi làm việc ban đầu có thể chưa đúng ngành nghề và trình độ của mình nhưng đó là cơ hội để các bạn tích lũy kinh ngiệm để ứng tuyển vào các vị trí phù hợp hơn sau này, thu nhập cao hơn.

Giám đốc một công ty phần mềm cho rằng hiện có 490.000 doanh nghiệp đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 con số này là 1 triệu. Do đó, nhu cầu lao động không thiếu, cái thiếu là những người làm được việc.

"Làm được việc nghĩa là sinh viên thành thục thao tác nghề. Công ty chúng tôi chỉ tuyển người làm được việc, không tuyển người chỉ có bằng cấp", vị này nói.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Lâm cho rằng việc ký kết này sẽ giúp trường hiểu được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các yêu cầu về chuyên môn để đưa vào chương trình đào tạo giúp sinh viên tiếp cận công việc ngay từ khi còn đi học để khi sinh viên tốt nghiệp, trường giới thiệu đến các công ty những lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc, làm được việc.

Kiến nghị thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn

Qua gần 20 năm phát triển, hệ thống giáo dục Đại Việt hiện gồm các trường thành viên: Trường CĐ Đại Việt TP.HCM, Trường CĐ Đại Việt Đà Nẵng, Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM và Trường Trung cấp Đại Việt Cần Thơ.

Tháng 10-2017, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn hoạt động không vì lợi nhuận.

Theo công văn do phó chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu ký, xét tờ trình của Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn và ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn hoạt động không vì lợi nhuận trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.