Mặc dù mảnh ruộng sát biển cho năng suất lúa cao hơn trong hai năm liên tiếp, nhưng anh Vũ Văn Chương, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, vẫn có ý định bỏ để chuyển sang phương thức canh tác khác.



Lý giải về điều có vẻ mâu thuẫn này, anh Chương, trú tại xóm 8, xã Giao Hải, cho rằng năng suất lúa cao thời gian gần đây là nhờ anh tính toán kỹ hơn về thời điểm lấy nước tưới, đồng thời cấy giống lúa chịu được mặn.

"Chẳng hạn như loại Thái Xuyên của Trung Quốc, có thể cho năng suất đến ba tạ mỗi sào, thế nhưng gạo này ăn không ngon, chỉ phù hợp cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá lúa giống quá cao, khoảng 130.000 đồng một kg. Cấy lúa Bắc Thơm ngon hơn nhưng năng suất lại thấp, chỉ bằng một nửa loại kia", anh nói.

Hiện gia đình anh Chương có 5,6 sào ruộng (hơn 2.000m2), là hai mảnh khác nhau, nằm cách bờ biển khoảng 500 m. Việc canh tác rất khó khăn mỗi khi thiếu nước tưới do độ nhiễm mặn cao, biện pháp duy nhất là trước khi cấy, anh kiểm tra và rải vôi để khử mặn. Anh Chương cũng tìm thêm giống lúa Hương Biển 3 của Hải Phòng, cho gạo ngon hơn nhưng vụ chiêm vừa rồi bị cháy lá do không chịu được hạn, mỗi khi nước trong ruộng cạn thì tỷ lệ lép cao.

Theo ông Trần Văn Cảnh, Phó chủ tịch xã Giao Hải, trong tổng số 300 hecta đất trồng lúa của xã, diện tích nhiễm mặn chiếm khoảng 80 hecta. Khu vực này nằm ngoài đê dự phòng, biển đang bị xói lở, tỷ lệ nhiễm mặn có lúc lên đến 3,5 phần nghìn, người dân phải chi phí lớn để cấy lúa trong khi năng suất lại bấp bênh. Với địa thế sát biển, đất nông nghiệp không chỉ bị thẩm thấu mặn dưới nước ngầm mà còn bị hơi nước mặn làm cho lúa bị sém không trổ được bông. Tag: quạt nước tạo oxy ao tôm

"Tôi nhận thấy tốc độ đất bị xâm mặn diễn ra rất nhanh", ông Cảnh nói.

Ông cho biết trước mắt chính quyền xã khắc phục tình trạng này bằng cách hỗ trợ bà con ém nước để giảm nồng độ mặn, cải tạo hệ thống kênh mương. Đồng thời tư vấn để người dân đa dạng hóa giống lúa chịu mặn ở cả nguồn trong nước và nhập khẩu.

Năm 2013, cùng với ngân sách xã, người dân góp phần lớn trong số hai tỷ đồng để cải tạo lại hệ thống kênh mương. Tuy nhiên nguồn tài chính vẫn chưa đủ để đầu tư quy mô đồng bộ hơn, ông Cảnh cho hay.

Trên quy mô toàn tỉnh, ông Đỗ Hải Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định, cho biết tổng diện tích trồng lúa là hơn 79.000 hecta, trong đó ba huyện ven biển chiếm diện tích gần 31.000 hecta. Tại các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu, diện tích bị nhiễm mặn là 12.000 hecta, với 3.000 hecta bị nhiễm nặng.

"Độ mặn của diện tích ven biển trung bình ở mức 1,8 đến hai phần nghìn, nơi bị nhiễm nặng lên đến ba phần nghìn. Hàng năm người dân phải cấy đi, cấy lại ít nhất hai lần trong vụ xuân, chi phí cho thủy lợi tưới tiêu cao hơn ở các vùng khác nên hiệu quả sản xuất thấp, gần như bà con không có lãi, thậm chí lỗ", ông Điền nói. Tag: phần mềm nuôi tôm

Thời điểm này tỉnh Nam Định đang có hướng chuyển đổi linh hoạt về đất nông nghiệp, xem xét phương án trồng loại cây khác, hoặc duy trì lúa trong vụ mùa, vụ xuân thì trồng cây màu hoặc kết hợp với nuôi thủy sản. Đây là chính sách thực hiện theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, thay thế Nghị định 42 về quản lý đất trồng lúa.

Ông Điền cho rằng việc chuyển đổi cây trồng này cần được kết hợp với việc củng cố thêm công trình thủy lợi trong tỉnh và tìm kiếm thêm các giống lúa mới có khả năng chịu mặn và cho năng suất, chất lượng cao. Phó giám đốc sở bày tỏ mong muốn Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hạ tầng cho các huyện ven biển, đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thiên tai, dịch bệnh để người dân bảo đảm cuộc sống.

Theo ông Điền, tỉnh Nam Định vừa chuyển hơn 1.000 hecta trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và thời gian tới sẽ chuyển đổi tiếp 17.000 hecta.

"Tôi đã bỏ hẳn trồng lúa từ năm 2010, chuyển sang nuôi cá và tôm. Doanh thu mỗi vụ gần 100 triệu đồng, mỗi năm có thể thu ba vụ, trừ chi phí thì có lãi đến 40%, năm nào trúng giá được đến 60%", ông Hoàng Văn Minh, trú tại Khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, cho biết.

Hiện ông Minh có tổng diện tích mặt nước là 1,5 hecta, trong đó ao cá chiếm một hecta, ao tôm khoảng 3.000 m2, khoảng 1,5 hecta còn lại dùng để trồng cây đinh lăng làm dược liệu và cây ăn quả. Gia đình ông cũng có trại sản xuất giống cá để cung cấp cho người dân xung quanh. Khu đất này nằm cách bờ biển khoảng hai km.

Tỏ ra khá lạc quan về mô hình này, ông Minh cho biết phương thức nuôi luân canh giữa tôm và cá giúp bảo đảm an toàn trong sản xuất, tức là vụ này thả cá thì vụ sau thả tôm, hoặc đổi ao cho nhau. Khi gặp rủi ro tôm hoặc cá chết ông có thể nhanh chóng thả vụ khác để thu hồi vốn, trong khi đầu ra của mặt hàng cũng thuận lợi, không bị ế như sản phẩm khác.

Ông Đỗ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông (Nông trường Rạng Đông cũ), đơn vị quản lý đất của thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, cho biết đến nay địa phương đã chuyển đổi được hơn 340 hecta sang nuôi trồng thủy sản trên tổng số hơn 850 diện tích đất nông nghiệp.

Theo ông Hải, do tình hình nhiễm mặn nặng, đồng ruộng khô hạn kéo dài nên năng suất lúa ở đây rất thấp, chi phí tưới tiêu lại cao. Trong khi đó việc nuôi thủy sản không đòi hỏi nghiêm ngặt về nước tưới, cây trồng ngắn ngày đem lại năng suất tốt, hiệu quả cao hơn trồng lúa.

Nói về định hướng sắp tới, ông Minh dự kiến khi nước biển xâm mặn nhiều hơn thì chuyển hẳn diện tích trồng cây sang nuôi thủy sản. Ông cũng mong nâng cao năng suất lên đến 15-20 tấn trên mỗi hecta bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

"Mỗi năm tôi đều phải nâng cấp hạ tầng, kiên cố kênh mương, tính ra mỗi hecta cần khoảng 700 triệu đến một tỷ đồng. Tuy nhiên tôi mong Nhà nước đầu tư kênh mương với quy mô lớn, có hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh để cả vùng nuôi mới an toàn", ông Minh nói.

Ông cũng mong được Nhà nước cho vay vốn trung hoặc dài hạn để tự nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình, hiện nay mới có chính sách vay vốn ngắn hạn từ Công ty Rạng Đông.

Hướng đi chuyển hẳn sang nuôi thủy sản cũng là mong muốn của anh Chương ở xã Giao Hải. Tuy nhiên với diện tích mỗi mảnh ruộng quá nhỏ từ 2 -2,6 sào ở khu vực đang canh tác lúa, anh Chương cho rằng quá manh mún để chuyển thành ao nuôi tôm cá. Nếu như mọi người cùng trong một khu vực cho nhau đổi hoặc thuê ruộng để có diện tích từ một đến hai hecta thì mới khả khi.

"Tôi muốn bỏ lúa từ lâu rồi, dự kiến nuôi cá nhưng Nhà nước cho vay ít quá, khoảng 30 triệu đồng, trong khi để đầu tư trên một hecta thì cần đến 300 triệu mới làm được", anh Chương nói.

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/dat-nhiem-man-nong-dan-nam-dinh-muon-bo-trong-lua-3282184.html?utm_source=search_vne