Trận chung kết World Cup 2018 được dự đoán là nghiêng về phía đội bóng áo lam, vốn sở hữu đội hình cân bằng cả trong phòng ngự và tấn công.
Xem thêm: https://8live.com/lng/vn/tin-bong-da...2018-1653.aspx
Nền tảng phòng ngự vững chắc
Chiến thuật mà đoàn quân của HLV Didier Deschamps áp dụng trong trận bán kết trước đội tuyển Bỉ khiến nhiều người không hài lòng. Sau thất bại, thủ thành Thibaut Courtois không tâm phục khẩu phục: "Pháp là đội chơi phản bóng đá".

Dù Courtois có chỉ trích lối chơi của "Les Bleus" đến thế nào, vẫn không thể phủ nhận chiến thuật này đã tỏ ra hết sức hữu dụng giúp thầy trò HLV Deschamps tiến đến trận đấu cuối cùng của giải đấu.

Đội hình của Pháp được xây dựng trên một nền tảng phòng ngự chắc chắn cả về cách tổ chức lẫn kỷ luật. Tất cả cầu thủ thi đấu ở mỗi vị trí đều đã chứng minh được tài năng xứng đáng được HLV Deschamps tin tưởng.



Varane đại diện cho lứa cầu thủ tài năng mà Pháp đang sở hữu.

Raphael Varane trở thành thủ lĩnh của hàng phòng ngự Pháp, sở hữu tỉ lệ đường chuyền thành công lên đến 90% trong trận bán kết. Ngoài ra N'Golo Kante trong vai trò tiền vệ phòng ngự là chốt chặn đắc lực và giữ nhịp trận đấu.

Sở hữu hàng thủ chất lượng nhưng các cầu thủ tấn công của Pháp cũng rất chịu khó lui về hỗ trợ phòng ngự cho các đồng đội. Cả Antoine Griezmann và Olivier Giroud đều tích cực áp sát gây khó dễ cho tiền vệ đối phương để hóa giải các đường bóng nguy hiểm của "Quỷ đỏ" ngay từ giữa sân.

Mbappe và "bài tủ" phòng ngự phản công

Dựng một "hàng rào thép" làm nản lòng đối phương nhưng sức mạnh của "Những chú gà trống Gaulois" còn đến từ một cái tên đặc biệt nguy hiểm trên hàng công, Kylian Mbappe.



Mbappe có những pha bứt tốc ngoạn mục trong trận bán kết với Bỉ.

Pháp có thể xây dựng đội hình theo hướng phòng ngự phản công vì họ sở hữu những cầu thủ tấn công chất lượng, điển hình là Mbappe với nhãn quan và khả năng định đoạt trận đấu xuất sắc.

Tốc độ và khả năng chơi bóng trực diện của ngôi sao 19 tuổi trở thành nỗi khiếp sợ cho mọi hàng thủ trên thế giới. Không phải tự nhiên mà cầu thủ chưa tròn 20 tuổi đã có giá 166 triệu bảng khi cập bến PSG.

Muốn thấu hiểu cơn ác mộng mang tên Mbappe như thế nào, có lẽ nên hỏi Marcos Rojo để biết thêm chi tiết. Rojo gần như tuyệt vọng khi tìm cách chế ngự tốc độ kinh hoàng của Mbappe trong trận đấu tại vòng 1/8. Pha bứt tốc của ngôi sao PSG thậm chí còn chẳng thua kém gì với "Tia chớp" Usain Bolt.

Khả năng tận dụng tình huống cố định
Cứ mỗi trận đấu qua đi, Pháp lại cho thấy cách ghi bàn mới cùng những cái tên khác nhau biết tỏa sáng. Griezmann thực hiện thành công 2 cú sút penalty, Mbappe nhanh nhẹn và kỹ thuật, Pavard thậm chí cũng có thể băng lên từ tuyến 2 để ghi bàn. Và bên cạnh đó, đừng quên sự nguy hiểm khôn lường của "Gà trống" đến từ những tình huống đá phạt.



Umtiti cho thấy sự lợi hại trong cả khả năng phòng ngự lẫn chớp thời cơ ghi bàn.

Đầu tiên, phải kể đến cú đánh đầu của Varane từ pha sút phạt của Griezmann giúp Pháp có bàn thắng mở tỷ số trước Uruguay tại tứ kết. Sau đó, số 7 tiếp tục có tình huống sút phạt góc giúp Umtiti đánh đầu tung lưới thủ môn Courtois.

Trong cả 2 bàn thắng này, các hậu vệ áo lam đều biết chọn những vị trí tốt để đón bóng. Đây chính là thành quả của quãng thời gian thầy trò HLV Deschamps miệt mài rèn luyện trên sân tập.

Khát khao chiến thắng và khả năng thích ứng
So với 3 đại diện còn lại của vòng bán kết, Pháp là đội bóng đã quá sành sỏi với các danh hiệu. "Tôi không thể ngừng quan tâm đến Quả bóng Vàng. Tôi còn muốn cả World Cup nữa, tôi luôn ao ước được ngủ bên cạnh chiếc cúp vàng thế giới", ngay cả một cầu thủ 19 tuổi của "Les Bleus" là Mbappe cũng không hề giấu tham vọng vô địch.

So với đội hình về nhì Euro 2016, chỉ còn 9 người trụ lại được tại World Cup năm nay. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng minh rằng đoàn quân của Deschamps đều còn trẻ và thèm khát danh hiệu.

Hầu hết cầu thủ Pháp đều chưa chạm ngưỡng 25 tuổi. Không ít ý kiến cho rằng lứa cầu thủ này phải mất từ 2-4 năm nữa mới trở nên cứng cáp, tuy nhiên thực tế lại cho thấy tất cả đã sẵn sàng cho cuộc chiến từ mùa hè năm nay.

Qua từng trận đấu, các cầu thủ đã cho thấy khả năng thích ứng cao với sự thay đổi chiến thuật của HLV Deschamps. Trong cuộc đối đầu với Bỉ, với một thế trận phòng ngự thực dụng, Deschamps đã bố trí Griezmann ở cánh trái thay vì thi đấu như một số 10 thuần tuý. Kết quả, chân sút của Atletico vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Pháp mang "chân mệnh thiên tử"
Có quá nhiều yếu tố khách quan đang ủng hộ Pháp tại World Cup năm nay.

Tính từ năm 1998, Pháp đã có 2 lần vô địch World Cup (1998) và Euro (2000). Kể từ đó trở đi, trừ 3 lần Pháp bị loại từ vòng bảng (World Cup 2002, 2010 và Euro 2008), "Les Bleus" đều chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch năm đó.

Điều này cũng có phần giống đội tuyển Đức của HLV Joachim Loew. Sau nhiều giải đấu lọt vào bán kết, chung kết các giải đấu lớn và chỉ chịu thua nhà vô địch, "Die Mannschaft" cũng được hưởng trái ngọt với chức vô địch thế giới năm 2014.

Trên đúng con đường mà Đức đã tiến bước và đăng quang, đoàn quân của HLV Deschamps rất có thể sẽ giành được thắng lợi cuối cùng tại World Cup năm nay.



Đội hình tuyển Pháp thi đấu ổn định và chắc chắn tại World Cup năm nay.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Croatia cũng đang gặp phải lời nguyền mang tên "thủ môn". Còn nhớ trong cả 3 trận chung kết World Cup gần nhất, các đội bóng có sự góp mặt của người gác đền thi đấu trong màu áo CLB Monaco đều phải nhận thất bại.

Năm 2006, thủ thành Fabien Barthez của Pháp từng khoác áo Monaco trong giai đoạn 1995-2000. Cả Maarten Stekelenburg người Hà Lan và Sergio Romero của Argentina đều từng thi đấu cho Monaco dưới dạng cho mượn, lần lượt gặp thất bại trong trận chung kết năm 2010 và 2014.

Từ năm 2012, thủ thành Subasic của Croatia đã thuộc biên chế và để lại nhiều dấu ấn trong màu áo "Les Monagasques". Nếu lời nguyền này là có thật, Croatia sẽ không thể vượt qua Pháp để lần đầu tiên đặt tay vào chiếc cúp vô địch thế giới.