Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu (2013 - 2018), nông nghiệp Hà Tĩnh đạt được những kết quả khá toàn diện. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng phát huy lợi thế các lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của từng địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường.


Cụ thể, sản xuất nông lâm thủy sản nhiều năm liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 5 năm (2013 - 2017) đạt trên 4,47%/năm (cả nước 2,78%). Năng lực sản xuất toàn ngành tăng gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2008 - 2012; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 55 triệu đồng lên 75 triệu đồng/ha/năm.

Cơ cấu sản xuất ngành, lĩnh vực và nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng trồng trọt từ 55% (năm 2013) xuống còn dưới 45% (năm 2017); tăng nhanh tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp từ 37,4% lên 52,8% (năm 2017). Tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế phát triển, giá trị gia tăng cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, rau củ quả thực phẩm, chè xuất khẩu, chăn nuôi lợn, bò, hươu, nuôi tôm) từ 30,41% năm 2013 lên 38,7% năm 2017.

Đặc biệt, địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống, mùa vụ, sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao. Diện tích lúa hàng hóa đạt 38.500ha, năng suất liên tục tăng, góp phần đưa sản lượng lương thực đạt trên 52,6 vạn tấn/năm. Tag: máy thổi khí at

Một số diện tích trồng cây ăn quả có lợi thế của tỉnh vượt mục tiêu tái cơ cấu đến năm 2020. Riêng diện tích cam chanh, cam bù hiện đạt 7.032ha, vượt 2.982 ha so với mục tiêu đề ra, đưa địa phương chuyển từ vị trí thứ 12 lên xếp thứ 6 trong toàn quốc về diện tích cam. Bưởi Phúc Trạch đạt 2.858ha, vượt 758ha so với mục tiêu tái cơ cấu (2.200ha), xếp thứ 7 trong toàn quốc và thứ 1 trong khu vực Bắc Trung bộ về diện tích bưởi.

Đáng chú ý, phát triển chuỗi liên kết sản xuất chè công nghiệp đạt trên 1.200ha, sản lượng búp tươi đạt 11.600 tấn, trong đó, đã xuất khẩu vào một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, với kim ngạch đạt 2,5 triệu USD/năm. Đây là điển hình thành công nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Lĩnh vực chăn nuôi ghi nhận một số kết quả nổi bật khi chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống lợn siêu nạc, ứng dụng quy trình nuôi thâm canh, công nghiệp, tạo dòng sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao. Chăn nuôi lợn đã hình thành mới được 38 cơ sở nái ngoại quy mô 300 con trở lên với tổng đàn trên 19.800 con; phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín trên 145 cơ sở. Vừa qua, khi thị trường tiêu thụ khó khăn, giá lợn giảm sâu, các chuỗi chăn nuôi liên kết này vẫn cơ bản sản xuất ổn định. Tag: máy thổi khí trại giống

Trước đây, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1 - 2 doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít. Nhưng qua hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu, địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, với việc hình thành mới hơn 1.500 doanh nghiệp (tăng 3,5 lần so với năm 2010), trong đó có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, 442 hợp tác xã, hình thành mới thêm 214 trang trại sản xuất nông nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ, mô hình trang trại sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản có hiệu quả cao ở các địa phương. Bước đầu hình thành và phát triển chuỗi liên kết với các hộ nông dân, tợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên một số sản phẩm nông nghiệp như: chăn nuôi lợn, sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, cây thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ cam, bưởi Phúc Trạch,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn nhận qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, địa phương vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Là tỉnh miền Trung, điều kiện thiên tai khắc nghiệt, nông nghiệp rủi ro cao nên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gặp rất nhiều thách thức. Quy mô sản xuất nông nghiệp manh mún với đa số các hộ nông dân nhỏ lẻ, việc tích tụ, tập trung ruộng đất đang hết sức khó khăn; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh còn thấp.

Việc đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, doanh nghiệp liên kết sản xuất còn ít; sản xuất chưa gắn với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ đầu ra khó khăn, giá bán nông sản không ổn định, còn chịu áp lực cạnh tranh của thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, nguồn lực đầu tư trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp còn thấp.

Nắm bắt những lợi thế và khó khăn của địa phương, để cụ thể hóa, tiếp tục triển khai Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Hà Tĩnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 85 triệu đồng/ha, cơ cấu các lĩnh vực: nông nghiệp 75%, thủy sản 15%, lâm nghiệp 10%. Tăng thu nhập của cư dân nông thôn lên ít nhất 1,8 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%/năm. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm còn khoảng dưới 50%.

Cùng với đó, tiếp tục kiên trì, quyết liệt, tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất từng ngành và từng lĩnh vực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo 3 cấp độ: nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia (tôm, thịt lợn, gia cầm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ), nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cam chanh chất lượng cao, cam bù, bưởi Phúc Trạch, chè công nghiệp) và nhóm sản phẩm chủ lực đặc sản, có giá trị riêng biệt cấp vùng, miền, địa phương.

Để triển khai nhiệm vụ, Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo hướng hàng hóa quy mô lớn, tăng năng suất và chất lượng. Đồng thời, tập trung mạnh vào khâu bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, lợi thế theo vùng, miền, xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.

Song song với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất, xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, vừa tạo đột phá về liên kết sản xuất hàng hóa quy mô, công nghệ cao, vừa có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các hộ nông dân ở các vùng có điều kiện khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa./.

Nguồn: cpv.org.vn/kinh-te/ha-tinh-phat-huy-loi-the-cua-dia-phuong-trong-tai-co-cau-nong-nghiep-508797.html