Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những căn bệnh phổ biến trong cuộc sống. Do diễn biến thầm lặng, nếu không có biện pháp điều trị hiệu quả sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm hiểu các thông tin về bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.



TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN LÀ GÌ?

Trào ngược dạ dày thực quản trong y học được gọi là căn bệnh GERD (Gastroesophageal Reflux Disease) hay viêm thực quản trào ngược. Bệnh được định nghĩa là tình trạng dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản.

Với một cơ thể khỏe mạnh, thức ăn được đưa từ miệng xuống thực quản. Sau đó cơ vòng thực quản dưới mở ra, thức ăn theo đó đi xuống dạ dày để tiêu hóa. Lúc này cơ vòng thực quản lại tự động đóng lại để thức ăn hoặc dịch dạ dày không trào ngược lên. Trào ngược dạ dày xảy ra khi cơ vòng thực quản không đóng kịp thời khiến dịch bị trào ngược lên.

Những cơn trào ngược thường xảy ra sau bữa ăn, trong thời gian ngắn. Tần suất những cơn trào ngược tăng lên theo mức độ của bệnh. Do đó, khi bệnh mới bắt đầu, số lần trào ngược thưa thớt nên người bệnh không mấy quan tâm. Chỉ đến khi bệnh nặng hơn, các cơn trào ngược dày đặc hơn thì người bệnh với lo lắng và điều trị. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nặng nề và biến chứng sang nhiều vấn đề nguy hiểm.

NGUYÊN NHÂN TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dịch dạ dày nhưng tựu chung là do sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới và dư thừa axit trong dạ dày. Cụ thể, bệnh hình thành do:

Tác dụng của các loại thuốc huyết áp, glucagon, ibuprofen, aspirin và một số thuốc tây khác.
Thói quen ăn uống, sinh hoạt: ăn quá no, nằm ngay sau khi ăn, ăn nhiều đồ cay nóng hoặc các thực phẩm khó tiêu, cafe, rượu, thuốc lá…
Các bệnh lý trong cơ thể: nhiễm trùng ở thực quản gây xơ, yếu cơ vòng thực quản, tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, thoát vị hoành… và các bệnh lý dạ dày (viêm loét dạ dày, hẹp hang môn vị…)
Mang thai, mang vác vật nặng thường xuyên hoặc béo phì gây áp lực lên vùng bụng cũng gây trào ngược dịch dạ dày.
Thói quen uống không lành mạnh là nguyên nhân lớn gây ra chứng trào ngược dạ dày
Để phòng tránh bệnh khá đơn giản, các bạn chỉ cần xây dựng cho mình một thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, kiểm soát cân nặng và khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt ngay khi nghi ngờ bản thân mắc trào ngược dạ dày thực quản thì nên thăm khám sớm.



BIỂU HIỆN CỦA TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Tuy diễn biến thầm lặng nhưng nếu bạn thực sự quan tâm đến cơ thể mình thì có thể dễ dàng nhận sớm các biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Cụ thể:

Ợ chua, ợ hơi, hoặc ợ nóng sau khi ăn no, đầy bụng khó tiêu với tần suất tăng dần.
Buồn nôn, nôn ói do axit trong dạ dày trào ngược kích thích vùng họng.
Đau tức thượng vị, có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực xuyên ra cánh tay và sau lưng, kèm theo đau tức ngực.
Cảm thấy khó nuốt khi ăn, dễ mắc nghẹn không lý do.
Miệng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường.
Khàn giọng, ho hoặc thở khò khè.
Một số triệu chứng của trào ngược dạ dày có thể bị nhầm lẫn bởi các căn bệnh khác về hô hấp. Do đó khi cảm thấy cơ thể lặp lại nhiều lần một hoặc các biểu hiện trên thì không được chủ quan. Khi ấy các bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và xác định chính xác tình trạng và có phương hướng khắc phục hiệu quả. Chủ quan chỉ khiến bệnh nặng nề với nhiều biến chứng nguy hiểm.

BIẾN CHỨNG CỦA TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY

Trào ngược dạ dày không quá nguy hiểm và có thể khắc phục bằng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với phác đồ điều trị đúng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan khiến bệnh nặng nề sẽ gây ra một vài biến chứng như:

Viêm đường hô hấp: Dịch dạ dày chủ yếu chứa axit nếu bị trào ngược lên đường hô hấp có thể gây: viêm họng - mũi - xoang, viêm phế quản, viêm phổi.
Chỉ một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi, thậm chí gây viêm tai hoặc mòn răng. Gần đây có một số nghiên cứu y học chỉ ra rằng trào ngược dạ dày còn tìm thấy mối liên quan giữa trào ngược dạ dày với bệnh xoang.

Hẹp thực quản: Dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản trong thời gian dài và tần suất liên tục sẽ gây viêm, loét và dẫn đến hẹp thực quản. Biểu hiện chính là cảm giác khó nuốt, nuốt đau buốt, đau tức ngực, mất cảm giác ngon miệng. Nặng còn gây co rút thực quản.

Ung thư thực quản: Tuy là biến chứng hiếm gặp nhưng không phải không xảy ra. Trào ngược dạ dày thực quản biến chứng lên ung thư thực quản khi bệnh kéo dài dai dẳng trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày còn gây nhiều khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày.

ĐIỀU TRỊ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Trào ngược dạ dày thực quản có thể điều trị bằng thuốc hoặc ngoại khoa. Tùy vào mức độ bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn phương pháp phù hợp.

Bên cạnh điều trị, để thoát khỏi chứng trào ngược bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Nên chia nhỏ bữa ăn, sử dụng thực phẩm dễ tiêu hóa, có khả năng trung hòa axit trong dạ dày, hạn chế đồ cay nóng, khó tiêu, chất béo. Các loại rau xanh, bột yến mạch, gừng, mật ong… là gợi ý lý tưởng. Bỏ thuốc lá, rượu, chất kích thích là cách hiệu quả để bệnh nhanh khỏi.

Không chủ quan với chứng trào ngược dạ dày thực quản, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và thăm khám sớm nếu phát hiện bệnh là cách bạn bảo vệ sức khỏe của mình.

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần sự tư vấn xin vui lòng liên hệ Bệnh Viện Đa Khoa Bảo Sơn - Địa chỉ 52 Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội

Bệnh Viện Đa Khoa Bảo Sơn on Social:

Twitter: https://twitter.com/baosonhospital2

Nguồn bài viết: http://tamsoatungthubaoson.over-blog...-day-thuc-quan